Y tế số Việt Nam – Khi nào mới trưởng thành?

Hôm qua, 4.3.2022, trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB, trực thuộc sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM) cùng với công ty eDoctor có cuộc chia sẻ với chủ đề: “Hệ sinh thái y tế số Việt Nam: Hiện trạng ứng dụng, thách thức tương lai”.

TS. Hồ Thanh Phong chia sẻ thông tin về chi phí khám chữa bệnh của người dân Việt Nam trong năm 2020. Ảnh: V.Khôi

Rần rần chuyển đổi số… trên giấy!

Từ nhiều năm nay, ngành y tế Việt Nam đã làm được nhiều việc. Tính đến hết năm 2021, đã có 23 bệnh viện đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim, 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.

Trước dịch Covid-19, bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế – chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số, công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng. Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Thay đổi là vậy, theo đúng… phong trào! Nhìn chung, khối y tế nhà nước vẫn theo cách làm lạc hậu của vài chục năm trước! TS Hồ Thanh Phong, cựu hiệu trưởng ĐH Quốc tế TP.HCM kể lại quy trình khám bịnh quá lạc hậu của một bịnh viện công cách đây ít ngày: cứ mỗi công đoạn, ông (người khám bịnh) lại phải xếp hàng từ đầu, tốn thời gian không hợp lý…

Tư nhân nhanh hơn

Ông Vũ Thái Hà, giám đốc vận hành của eDoctor chia sẻ thông tin về ứng dụng eDoctor. Ảnh: V.Khôi

Về công nghệ, số lượng ứng dụng phục vụ y tế số tăng nhanh, chủ yếu là sản phẩm của các doanh nghiệp và các cơ sở y tế tư nhân tự phát triển, như: eDoctor, DoctorAnywhere, Jio Health, AI Health… Người dân bắt đầu làm quen với các dịch vụ y tế số khi có bệnh với các hoạt động: tham vấn bác sĩ, đặt lịch khám chữa bệnh, đặt mua vật tư và thiết bị y tế gia đình… Thành lập vào năm 2014, hiện tại ứng dụng eDoctor đã có gần 270.000 lượt tải, trong đó 170.000 là khách hàng thường xuyên. eDoctor hiện đã kết nối với 500 chuyên gia và nhân viên y tế.

Nhiều hệ thống bán lẻ dược phẩm như FPT Long Châu, Pharmacity… cũng đã có app riêng để hành vi mua bán các loại dược phẩm nhanh hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng. Đầu tháng 3.2022, FPT Long Châu đã có 500.000 khách hàng sử dụng app để mua thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ xa. Khách mua hàng từ xa được giao hàng tận nhà, miễn phí.

Ứng dụng FPT Long Châu đã có hơn 500.000 khách hàng sử dụng. Ảnh: P.Bảo

Hiệu quả hơn

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, BS Đỗ Thị Tường Oanh (bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho biết, “ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua đã có những kết quả đáng được trân trọng khi chung tay chăm sóc người bị nhiễm F0 tại nhà”. Đó là chương trình SpO2 tại nhà do TS. Hồ Thanh Phong, BS. Đỗ Thị Tường Oanh và cộng sự cùng công ty eDoctor thực hiện tại vài quận của TP.HCM và Long An.

Theo TS. Hồ Thanh Phong, bệnh nhân liên lạc với nhóm qua tổng đài 0866207299 của nhóm, tình nguyện viên (TNV) tiếp nhận bệnh và liên hệ bác sĩ. Bác sĩ liên lạc và hám bịnh nhân theo hình thức trực tuyến (2 lần/ngày), cho thuốc. Đội vận chuyển thực hiện đóng gói và chuyển toa thuốc theo toa của bác sĩ đã ghi trên phần mềm. Khi bịnh nhân có triệu chứng bất thường hoặc trở nặng, bác sĩ lập tức hội chẩn… “Có những lúc, nhóm có hơn 100 bác sĩ, 120 TNV tham gia. Hiện tại, mỗi ngày nhóm vẫn còn nhận được hơn 40 cuộc điện thoại từ cộng đồng”, TS Phong cho biết thêm.

Nghĩ xa hơn

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB nói: “Y tế số sẽ góp phần giảm áp lực cho bệnh viên, gia tăng tiện ích cho người dân, đội ngũ y tế tiết kiệm thời gian chẩn đoán và điều trị. Hệ sinh thái y tế số giúp giảm rủi ro lây nhiễm”.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (hồi tháng 5.2021), nhiều bệnh viện quá tải… Ảnh: A.T

Ông Vũ Thái Hà, giám đốc vận hành eDoctor bình luận: “Nguồn lực xã hội cần được huy động hơn nữa để đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng”. Vị giám đốc này đưa ra lộ trình: (1) mục tiêu ngắn hạn là cải thiện chất lượng dịch vụ y tế thông qua triển khai y tế từ xa và y tế tại nhà, giảm tải cho các cơ sở y tế, (2) mục tiêu trung hạn là mỗi gia đình Việt Nam có một bác sĩ gia đình trực tuyến phục vụ thường xuyên và liên tục và (3) mục tiêu dài hạn là quản lý sức khỏe toàn dân với năng lực quản lý và phân tích dữ liệu sức khỏe trên nền tảng công nghệ, hướng đến mục tiêu có nền y tế thông minh.

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: