Hai năm đại dịch Covid-19, 80% nữ doanh nhân Việt “thất điên bát đảo”!

Đó là kết quả khảo sát của TS. Greeni Maheshwari, giảng viên khoa Kinh doanh và Quản trị của ĐH RMIT Việt Nam về thực trạng nữ doanh nhân Việt Nam trong 2 năm đại dịch Covid (2020 – 2021) vừa được công bố trên International Entrepreneurship Review, một tạp chí học thuật về doanh thương.

Dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nữ doanh nhân đóng cửa! Trong ảnh: Nhiều bức tường dán bảng cho thuê mặt bằng. Ảnh: Anton Đạt.

Theo TS. Greeni Maheshwari, kết quả khảo sát trên nằm trong khuôn khổ nghiên cứu các vấn đề bất bình đẳng ngày càng gia tăng mà phụ nữ Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam. “Dịch Covid-19 đã gia tăng sự bất bình đẳng vốn tồn tại với nữ chủ nhân của các DNNVV, tạo ra những tác động xấu đối với kinh tế các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam”, TS. Greeni Maheshwari nói thêm.

Giải thích về tỷ lệ 80% nữ doanh nhân tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, TS. Greeni Maheshwari nói: “Vì họ hoạt động trong các lĩnh vực chịu tác động mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát như: lưu trú, kinh doanh thực phẩm, bán buôn, bán lẻ…”.

Nhiều quầy hàng thời trang, mỹ phẩm vắng người mua…vào cuối năm 2021. Ảnh: V.Khôi

Trong nhiều báo cáo của Chính phủ, các bộ hữu quan trong hơn 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam, những lĩnh vực trên hầu như phải “đóng cửa”, kể cả khi mở cửa trở lại cũng gặp nhiều khó khăn vì vắng khách.

Ngoài những lý do khách quan do tác động của dịch bệnh, TS. Greeni Maheshwari còn đưa ra những yếu tố khác: “Bất chấp nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ, nữ doanh nhân vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, như: hạn chế tài chính, thiếu kỹ năng quản trị nhân lực, thiếu động lực, thiếu hiểu biết kỹ thuật, sợ thất bại và… thiếu sự hỗ trợ toàn diện từ gia đình”.

Nhiều hệ thống dịch vụ ăn uống vẫn còn…im ỉm khóa! Ảnh: A.T

TS. Maheshwari cho biết thêm, “tạo ra thêm nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ là một phần trong kế hoạch phát triển của Chính phủ Việt Nam với kỳ vọng mục tiêu năm 2025 sẽ có 27% trong số tổng số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và nâng lên 30% vào năm 2030 để thực thi mục tiêu phát triển bền vững số 5 (bình đẳng giới) và số 8 (công việc tốt và tăng trưởng kinh tế) của Liên hợp quốc”.

Mong ước mãi chỉ là ước mong. Hy vọng, dịch bệnh Covid-19 sớm kết thúc để gặp nhiều nữ doanh nhân hơn!

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: