Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng và là nhiệm vụ chính của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Là một trong 3 nhà mạng di động lớn của Việt Nam, MobiFone đã vào cuộc CĐS với những việc làm ngắn hạn và dài hạn để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành một doanh nghiệp CĐS toàn diện.
Ông Vĩnh Tuấn Bảo, phó tổng giám đốc tổng công ty Viễn thông MobiFone nói: “Ý thức được sứ mệnh là một doanh nghiệp lớn, MobiFone đã hoàn tất xây dựng chiến lược CĐS cho giai đoạn 5 năm 2020 – 2025. Triết lý của MobiFone là CĐS cần bắt đầu ngay từ những hành động nhỏ nhất, thực hiện từng bước nhỏ để đi đến mục tiêu xa theo tầm nhìn và sứ mệnh của MobiFone.”.
Theo ông Bảo, MobiFone sẽ CĐS 6 lĩnh vực cốt lõi: phát triển sản phẩm, hạ tầng, dữ liệu, dịch vụ khách hàng, quản trị nội bộ và văn hóa doanh nghiệp. Trước mắt, MobiFone tập trung CĐS 4 lĩnh vực: hạ tầng số, nền tảng – giải pháp số, dịch vụ số và dịch vụ khách hàng.
Với lĩnh vực hạ tầng số, MobiFone ưu tiên mở rộng và hiện đại hóa hạ tầng viễn thông di động. Hiện nhà mạng MobiFone đã có 38.000 trạm phát sóng. Về mạng truyền dẫn, MobiFone sẽ quang hóa từ 90 – 95% số trạm, cũng như đầu tư để sở hữu quyền sử dụng thêm từ 2-3 tuyến cáp quang biển quốc tế. Ông Bảo cam kết, MobiFone sẵn sàng triển khai phủ sóng mạng 5G ngay khi được cấp giấy phép. Trong tương lai, MobiFone hoàn thiện và sở hữu 6 trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Uptime Tier3.
Với nền tảng và giải pháp số, MobiFone sẽ phát triển từ 15-20 nền tảng số: mở rộng dung lượng, tích hợp các tính năng phân tích, học máy trong phân tích dữ liệu khách hàng; đầu tư mở rộng và hoàn thiện hệ thống cloud MobiFone để đáp ứng nhu cầu lưu trữ, sử dụng các dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của khách hàng. “Các nền tảng của MobiFone sẽ phát triển theo hướng mở để các đối tác cùng phát triển các ứng dụng trong hệ sinh thái mở MobiFone”, ông Bảo nhấn mạnh.
Với dịch vụ số, MobiFone sẽ cung cấp hệ sinh thái: định danh, thanh toán điện tử, đào tạo, y tế, nông nghiệp, du lịch, thành phố thông minh; chứng thực chữ ký số, trung gian thanh toán, mobile money, hóa đơn điện tử, truyền hình OTT và dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông… trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn (bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), sinh trắc học, IoT…
Xác định “khách hàng là trung tâm”, MobiFone có các giải pháp: xây dựng kho dữ liệu Customer 360, mô hình cửa hàng không giấy, áp dụng 100% hóa đơn điện tử, số hóa toàn bộ các khâu bán hàng và chăm sóc để giảm thời gian giao dịch từ 15 phút xuống dưới 2 phút/giao dịch… Đặc biệt, MobiFone đầu tư hệ thống và tăng cường năng lực an ninh mạng để an toàn tuyệt đối thông tin của khách hàng.
Dù là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ di động tại thị trường Việt Nam, tiếp cận công nghệ và quy trình vận hành hiện đại trên thế giới…, theo ông Bảo, “MobiFone muốn CĐS thành công, phải bắt đầu từ lãnh đạo các cấp vì đó là tư duy dẫn dắt”. Để thực hiện mục tiêu này, MobiFone đã xây dựng và ban hành sổ tay văn hóa trong toàn doanh nghiệp với những nhiệm vụ: đề cao và khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, hoàn thành mục tiêu CĐS…
Ngoài ra, MobiFone liên tục tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo để nâng cao nhận thức về CĐS cho nhân viên qua nhiều hình thức như hội thảo, tổ chức các cuộc thi về CĐS, các chương trình truyền thông nội bộ…
Vân Khôi
Năm 2021, MobiFone đã nhận được hơn 20 giải thưởng trong lĩnh vực CNTT: Top 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp CNTT Việt Nam, Top 10 giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam”, Sao Khuê, Chuyển đổi số Việt Nam…