Thay vì rạch túi, móc bóp… theo kiểu cướp “truyền thống”, nay, tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng giao dịch… chưa hẳn đã yên thân! Kẻ gian manh “lang thang 24/7″ trên mạng internet, sóng di động… để tìm cách tấn công tài khoản khách hàng!
Không dùng tiền mặt mà là trả tiền qua thẻ, ví điện tử… trong việc trả tiền mua hàng, từ bó rau, con cá cho đến những sản phẩm điện tử… trị giá hàng triệu đồng đang là xu hướng! Điều đó đồng nghĩa, môi trường hoạt động của tội phạm, cũng như cách tự bảo vệ của chủ tiền giờ đã đổi khác. Đó chính là hai chủ đề chính của hội thảo “Để đảm bảo an toàn trong các giao dịch không dùng tiền mặt” do báo Thanh Niên vừa tổ chức vào hôm qua, 30.3.2022.

Lợi thì có lợi…
Không dùng tiền mặt, thay vào đó là trả tiền online thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng… đang là xu hướng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 3.2022, số lượng người sử dụng hình thức trả tiền online khi mua hàng đã tăng 90% với giá trị giao dịch tăng 150% so với tháng 3.2021, ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch ví điện tử MoMo chia sẻ.
Bà Trương Cẩm Thanh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty ZION, chủ sở hữu ZaloPay nói thêm: “Trong tình hình dịch bệnh, hạ tầng di động phủ rộng, tỷ lệ người dùng trẻ đông, những chương trình kích thích tiêu dùng hấp dẫn khi trả tiền online, không tốn phí giao dịch… là những yếu tố quan trọng để hành vi trả tiền online ngày càng tăng mạnh. Ông Diệp của MoMo bổ sung: “Đó còn là tiết kiệm thời gian, kiểm soát chi tiêu, được giảm giá, có thêm điểm tín dụng cho tương lai, thuận lợi với các dịch vụ công, minh bạch…” để nói về mức độ phát triển của hình thức trả tiền online tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Tại Việt Nam, hơn 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng có Mobile Banking, trên 90.000 điểm thanh toán QR và gần 300.000 điểm thanh toán POS. Hơn 85% người tiêu dùng Việt Nam đã sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% đã thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần/ tuần. (Nguồn: báo Thanh Niên).
Ông Diệp khẳng định: “Các mô hình hoạt động trong lĩnh vực tài chính đều có nhiều giải pháp công nghệ, an ninh mạng để bảo vệ khách hàng. Tôi có thể nói rằng, 99% lượng khách hàng sử dụng dịch vụ MoMo an toàn khi trả tiền online”. Đó là cách nói như lời cam kết bảo vệ khách hàng của MoMo. Nhưng với dịch vụ trả tiền online, mức độ thiệt hại của khách hàng càng thấp, thậm chí là bằng 0, càng thuyết phục người tiêu dùng sử dụng dịch vụ.
Chân dung kẻ “móc túi online”
Thay vào hình ảnh những kẻ chuyên móc túi chuyên hoạt động ở chợ, bến xe…, với mô thức trả tiền online đã tạo ra diện mạo mới của những kẻ chuyên “móc túi online”. Đó có thể là những hacker siêu đẳng tấn công hệ thống “bê tông – cốt thép” của ngân hàng, ví điện tử… nhưng cũng có thể là những kẻ tầm thường với những chiêu vặt, chỉ để dành hù dọa “bà già, con nít”! Tầm thường hay cao siêu, những kẻ “móc túi online” cũng tạo ra “tiếng vang”, làm nhiều khách hàng sụt sùi…

Là chuyên gia về bảo mật, ông Ngô Tuấn Vũ Khanh, giám đốc Kaspersky Việt Nam chia sẻ: “So với nhiều quốc gia trong khu vực, tỷ lệ rủi ro trong trả tiền online tại Việt Nam rất thấp. Hiện tại, kẻ lưu manh trên mạng chỉ có vài chiêu thôi, chủ yếu tấn công vào nhóm khách hàng ít hiểu biết”.
Ông Diệp của MoMo cho biết, ngoài những chiêu hù dọa khi mượn danh công an, tòa án, viện kiểm sát, nhà mạng viễn thông…, gần đây, những kẻ “móc túi online” còn dùng chiêu cao tay hơn, như: chuyển cuộc gọi, giả danh nhà mạng thay SIM 4G/5G miễn phí, giả mạo thuê bao… lấy mã OTP, mật khẩu của máy… để xâm nhập vào smartphone của người khác. Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc công ty bảo mật Nam Trường Sơn (NTSS) nhận xét: “Lừa đảo trực tuyến hiện đã trở thành việc làm ổn định của giới tội phạm mạng. Tại Việt Nam, kịch bản và kỹ thuật lừa đảo phổ biến là dụ nạn nhân bấm vào trang giả mạo, chiếm tài khoản truy cập, sau đó lừa bạn bè của họ…”.
(còn nữa)
Vân Khôi