Chiêu trò lừa đảo của kẻ gian “móc túi online”, như ông Ngô Tuấn Vũ Khanh, giám đốc Kaspersky Việt Nam chia sẻ ở bài viết trước không có gì là cao siêu! Nhưng chỉ cần một giây lơ đễnh…, chủ tài khoản không còn cơm hộp mà ăn!
Tại hội thảo “Để đảm bảo an toàn trong các giao dịch không dùng tiền mặt” do báo Thanh Niên tổ chức sáng qua, 30.3.2022, các chuyên gia về bảo mật, nhà quản lý các tổ chức tài chính trung gian đã có những lời khuyên rất chân thành với người tiêu dùng về việc bảo vệ tài khoản khi giao dịch online.
Người dùng cuối – Dễ tấn công nhất!
Ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch MoMo nhận xét: “Gần đây, các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng diễn ra ngày càng nhiều với các hình thức liên tục thay đổi. Vì vậy, ý thức bảo vệ tài khoản ngân hàng, ví điện tử trong môi trường số ngày càng trở nên quan trọng hơn. Khách hàng cần tỉnh táo khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào thông qua các công cụ như thoại, tin nhắn, emai…”.
Ở góc độ chuyên môn sâu, ông Ngô Tuấn Vũ Khanh, giám đốc Kaspersky Việt Nam đã chỉ ra: “OTP không còn là chìa khóa quan trọng bảo vệ tài khoản cá nhân vì hiện có nhiều phần mềm bẻ khóa, dễ dò tìm mã OTP”! Theo Di Động Việt Nam, đây là thông tin người dùng cuối nên quan tâm trước thực tế ngân hàng, ví điện tử thường xuyên gởi thông tin cảnh báo người dùng không nên chia sẻ mã OTP cho người khác.
Bà Trương Cẩm Thanh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty ZION, chủ sở hữu ZaloPay cho rằng, hiện nay, về lý thuyết, ngân hàng, ví điện tử rất khó tấn công vì được trang bị công nghệ và giải pháp bảo vệ. “Hiểu được điều đó nên tội phạm tấn công vào người dùng cuối vì đây là đối tượng dễ tấn công nhất với nhiều yếu tố tâm sinh lý: cao tuổi, lơ đễnh, ít quan tâm đến những cảnh báo của nhà cung cấp dịch vụ, dễ bị dẫn dụ…”, bà Thanh phân tích.
Làm sao để giữ tiền?
Chưa có thống kê định kỳ về những thiệt hại của người dùng cuối bị kẻ gian online lừa tiền. Thỉnh thoảng, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin người dùng cuối bị lừa đảo. Đó là lúc người dùng giật mình nhìn và nhớ lại những cảnh báo! Nhưng chỉ vài tuần sau đó, mọi việc lại trở về chốn cũ… “Khi người dùng cuối không có ý thức bảo mật, dù hệ thống ngân hàng bảo mật cao nhất vẫn khó bảo vệ họ”, ông Ngô Trần Vũ, giám đốc công ty bảo mật Nam Trường Sơn (NTSS) nhận định. Tại tọa đàm, các chuyên gia bảo mật, các tổ chức tín dụng lần nữa đưa ra những lời khuyên dành cho người dùng cuối.
Ông Vũ có lời khuyên độc đáo: “Nên dùng một chiếc smartphone “sạch” chỉ để chuyên xài các ứng dụng về tài chính: tài khoản ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng trả tiền online… Ngoài ra, người dùng nên thường xuyên kiểm tra firmware, phần mềm… trên chiếc smartphone”. Tất nhiên, là nhà cung cấp dịch vụ bảo mật, ông Vũ kèm theo lời tư vấn: “Đừng quên xài phần mềm bảo mật”.
Về phía các nhà cung cấp dịch vụ có mặt tại buổi tọa đàm, ngoài việc kêu gọi người dùng có ý thức bảo vệ tài sản, còn cam kết áp dụng những giải pháp công nghệ mới như vân tay, khuôn mặt, thuật toán blockchain, AI…
Ông Diệp cho biết, MoMo sẽ có những chiến dịch truyền thông “giúp người dùng nhận thức sâu hơn về bảo mật thông tin cá nhân và ý thức bảo vệ tài sản trong giao dịch online”. Còn ZaloPay sẽ “liên tục chuẩn hóa hạ tầng và các quy trình bảo mật an toàn thông tin theo chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ AI vào dịch vụ chăm sóc khách hàng”, theo lời bà Cẩm Thanh.
Vân Khôi