Đó là phát biểu của chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi nói về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam dựa trên nhận định của World Bank tại diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2022 (Vietnam-ASIA DX Summit 2022) tổ chức trong 2 ngày 25-26.5.2022 do hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chủ xướng.
Trong một báo cáo gần đây, World Bank cho rằng: “Hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang sở hữu một thuận lợi cơ bản nhưng đồng thời là thách thức lớn. Đó là mô hình phân cấp quốc gia. Việt Nam là quốc gia nhất thể, nhưng 63 tỉnh thành quyết định phần lớn việc thực thi chuyển đổi số tại địa phương”.
Từ nhận định trên, ông Bình chia sẻ: “Vì vậy, muốn chuyển đổi số quốc gia thành công, mỗi tỉnh thành, doanh nghiệp cần tìm một nhà lãnh đạo có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động…”.
Đây là thực tế của nhiều hoạt động công nghệ tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Chủ trương không sai nhưng do tầm nhìn của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp mà kết quả thực hiện bị “xiêu vẹo”. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong chuyển đổi số, cần có những “ngôi sao” từ Chính phủ cho tới địa phương, doanh nghiệp!
Từ thực trạng trên, với chủ đề “Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số”, đây là năm đầu tiên diễn đàn được tổ chức với quy mô khu vực, tập hợp được các nguồn lực từ nhà nước, tư nhân đến các tổ chức quốc tế, doanh nhân, đội ngũ CNTT… để tìm ra hướng đi đúng cho tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam trong tương lai. Ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch VINASA nói: “Để phát triển kinh tế số nhanh chóng cần hợp lực của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp”.
Đến đầu tháng 5.2022, Việt Nam có 63/63 địa phương đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, 55/63 địa phương ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và 59/63 địa phương đã ban hành chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm. Chính phủ đã ban hành Quyết định 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Vân Khôi