Ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Viettel nói như vậy tại “Ngày sáng tạo Viettel” năm 2022 vừa được tổ chức sáng nay, 1.6.2022 tại Hà Nội.
Trong 10 năm, từ 2011 – 2021, Viettel có 79.000 sáng kiến, ý tưởng (SKYT). Như vậy, trung bình mỗi giờ Viettel có một ý tưởng mới. Trong số này, hơn 10.000 SKYT được công nhận, làm lợi hơn 5.300 tỷ đồng.
Viettel hiện có 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, 11 bằng bảo hộ độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ, sở hữu 220 công nghệ lõi, 150 công bố khoa học… Đến năm 2025, Viettel đặt mục tiêu nộp khoảng 470 đơn đăng ký sáng chế.
Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), Viettel tôn vinh từ những ý tưởng nhỏ nhất ở tất cả các vị trí công việc; đặt ra các mục tiêu cao, áp lực lớn từ đó tạo ra sức ép có những cách làm đột phá, sáng tạo.
Viettel liên tục thực hiện các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện để nhân viên tham gia vào các dự án có nhiều thách thức, giải quyết các vấn đề của xã hội với triết lý “Sáng tạo vì con người”. Nhiều chuyên gia người Việt có kinh nghiệm tại các nước phát triển đã trở về Việt Nam để cộng tác với Viettel trong các dự án dân sự và quân sự công nghệ cao.
Ông Thắng nhấn mạnh: “ĐMST là yếu tố sống còn để Viettel thực hiện sứ mệnh “tiên phong, chủ lực kiến tạo số” với tư cách là tập đoàn kinh tế chủ lực tham gia thực hiện những nhiệm vụ khó của đất nước”.
Tháng 10.2021, Clarivate, tổ chức cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học đã đánh giá “Viettel là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về ĐMST khu vực Nam Á và Đông Nam Á”.
Với chủ đề “Sáng tạo không giới hạn”, ngày Sáng tạo Viettel 2022 còn có những hoạt động như triển lãm công nghệ Viettel Diversity, cuộc thi diễn thuyết về đổi mới sáng tạo InnovativeMe…
Vân Khôi