Nhìn lại mô hình Viettel sau hơn 30 năm

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính với bộ Quốc phòng cùng các bộ ngành chức năng trong lần làm việc với tập đoàn công nghiệp – viễn thông Quân đội (Viettel) vào ngày hôm qua, 16.8.2022.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng và nhiều bộ, ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh: “Sau hơn 30 năm, đến nay Viettel đã trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước vững vàng tại Việt Nam với các ngành nghề kinh doanh chính: viễn thông, giải pháp CNTT và dịch vụ số, nghiên cứu sản xuất công nghệ cao, thương mại điện tử và logistics”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe người Viettel trình bày các sản phẩm tự nghiên cứu, sản xuất… Ảnh: T.Thọ

Theo ông Thắng, những năm gần đây, lợi nhuận trước thuế của Viettel luôn duy trì trên 40 ngàn tỷ đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/ doanh thu luôn duy trì trên 25%… Viettel là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trong số các nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới năm 2022.

Viettel còn là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với 10 thị trường có tổng dân số 260 triệu dân, tại 3 châu lục. Đến nay 7/10 thị trường kinh doanh đã có lợi nhuận, dòng tiền về nước những năm gần đây ở mức 250-350 triệu USD/ năm. Đến nay, Viettel đã thu về 900,3 triệu USD, tương đương 62% tổng đầu tư.

Thủ tướng đến làm việc với tập đoàn Vietttel. Ảnh: T.Thọ

Nhiều năm qua Viettel tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực mới: tư vấn chuyển đổi số, xây dựng và triển khai hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số để thực hiện chương trình chuyển đổi số ở 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Với vai trò hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam, Viettel đã và đang nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho quân đội.

Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở: “Viettel không được thỏa mãn với những gì đã làm được, phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng là tập đoàn kinh tế vững mạnh”.

Viettel mong muốn được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu; nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh, hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, logistic, đô thị, khoa học công nghệ…; đề xuất Chính phủ tăng tính chủ động trong đầu tư, tiền lương và tổ chức, sắp xếp lại đơn vị nội bộ; bổ sung hành lang pháp lý mới cho mô hình doanh nghiệp nhà nước và cơ chế thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: