Vòng nguyệt quế cho Pleiku

Nghe, rồi hát Còn chút gì để nhớ của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định hồi còn rất trẻ. Và đến giờ hay nghêu ngao bài hát này sau vài ly rượu, nếu có thêm cây guitar… Mới tối hôm qua, tình cờ trên facebook, có bài viết về Vũ Hữu Định và Còn chút gì để nhớ. Vậy là cọp-dê, chỉnh sửa chút chút để nhớ về phố núi Pleiku một thời hoang dại trong tôi.

1.

Quán Mỹ Tâm nổi tiếng của Pleiku năm 1968! Ảnh chụp lại hình của quán Mỹ Tâm

Ba tôi, khi còn sống hay kể cho tôi về miền đất Pleiku. 1956, ông lên Pleiku theo chương trình di dân cho dân vùng trung châu Bình Định. 1969, ông ra Đà Nẵng theo lệnh điều động… Tháng 9.1976, ông trở lại Pleiku với tư cách là… “dân kinh tế mới” sau 6 tháng tạm trú ở trại cải tạo An Lão (Bình Định). Tôi nhớ ông nói: “Quê cha đất tổ họ Hồ là Bình Định nhưng ba đã chọn Pleiku để sống, như quê chính. Đã hai lần đến lập nghiệp ở đây”. Nghe có vẻ văn vẻ vậy thôi, do cảm xúc mà ra, ông vốn là nhà binh trước khi chuyển thành nhà nông cho đến khi nằm xuống trên mảnh đất này…

Rạp Diệp Kính nên có ngã ba mang tên Diệp Kính năm 1968! Ảnh: A.T

Ba tôi kể rằng, từ 1956 – 1969, Pleiku là phố thị nghèo, chỉ có ngã ba Diệp Kính bề thế hơn vì có rạp hát Diệp Kính! Ít nhà xây. Những dãy nhà phố 1 tầng, mái lợp tôn chạy suốt đường Hoàng Diệu (sau này đổi thành Hùng Vương). Ba tôi giải thích: “Pleiku là vùng chiến sự ác liệt, có bộ tư lịnh quân đoàn II đóng nên chỉ có vậy”.

1983, khi đã đi dạy, thỉnh thoảng có ra thị xã Pleiku theo chuyến xe lam của anh Hưng, tôi vẫn thấy một Pleiku nghèo như vậy… nhưng đẹp. Gần 30 năm nay, khi ai hỏi quê đâu, tôi trả lời: “Pleiku” dù từ ngã ba Cheo Reo về tới phố núi là…37km!

2.  

Nữ sinh trường trung học Pleime. Ảnh: A.T

Còn chút gì để nhớ được nhà thơ tài hoa bạc mệnh Vũ Hữu Định viết vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku làm lao công đào binh (LCĐB). Bài thơ được đăng trong báo Khởi Hành năm 1970, rồi may mắn lọt vào mắt Phạm Duy. Tư liệu không nói rõ bao lâu sau khi bài thơ được đăng, chỉ nói, Phạm Duy đã đến Pleiku để gặp Vũ Hữu Định.

Trong buổi chiều họp mặt văn nghệ sĩ của Pleiku năm ấy, Vũ Hữu Định, tác giả của Còn chút gì để nhớ có mặt. Ông mặc chiếc áo màu xám, sau lưng là 4 chữ LCĐB. Nhạc sĩ Phạm Duy rút giấy và viết từ túi áo, kẻ rất nhanh những dòng nhạc, rồi hát thử bài Còn chút gì để nhớ với ca từ gần như nguyên vẹn ngôn từ bài thơ. Sau đó không lâu, bài hát nổi tiếng cả nước.

Pleiku, từ trên máy bay quân sự nhìn xuống hiền hòa, bình yên… Ảnh: A.T

Bài thơ Còn chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định:

Phố núi cao phố núi đầy sương

phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

anh khách lạ đi lên đi xuống

may mà có em đời còn dễ thương

Phố núi cao phố núi trời gần

phố xá không xa nên phố tình thân

đi dăm phút đã về chốn cũ

một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

Em Pleiku má đỏ môi hồng

ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

nên mắt em ướt và tóc em ướt

da em mềm như mây chiều trong

Xin cảm ơn thành phố có em

xin cảm ơn một mái tóc mềm

mai xa lắc bên đồn biên giới

còn một chút gì để nhớ để quên”.

Biển hồ Pleiku hôm nay. Ảnh: M.Thạch

Vũ Hữu Định đã tiết lộ với bạn bè, “em” trong bài thơ này chỉ là nhân vật mà ông đã “nhặt” được trong tưởng tượng khi làm thơ. Nhà thơ lính Kim Tuấn đã đóng quân nhiều năm ở Pleiku, từng làm nhiều thơ cho phố núi sương mù đã thốt lên về Vũ Hữu Định và Còn chút gì để nhớ: “Mình ăn dầm nằm dề ở đây mà chẳng được gì. Bỗng dưng có một gã giang hồ từ đâu đó ghé chơi đã làm Pleiku nổi đình nổi đám”. Nói yêu đó mà…

Nhà thờ Thăng Thiên Pleiku. Ảnh: M.Thạch

Nếu không có Còn chút gì để nhớ, chắc mấy ai biết đến phố núi xa xôi “quanh năm mùa đông” với “em má đỏ môi hồng”… Cả Vũ Hữu Định và Phạm Duy đã “đội vòng nguyệt quế cho Pleiku”, địa danh của cao nguyên Trung phần quanh năm sương phủ núi đồi”. 

Thi sĩ Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung (1942- 1981), sinh tại Thừa Thiên. Ông từng đến nhiều nơi của miền cao nguyên Trung phần, Đà Nẵng…, sống trong nghèo túng của khoảng đời ngắn ngủi với tật mê rượu. Ông viết nhiều thơ, đăng rải rác ở các báo với nhiều bút hiệu khác nhau nhưng thi danh Vũ Hữu Định mới được nhiều người biết đến sau khi bản nhạc Còn chút gì để nhớ ra đời. Năm 1996, thi phẩm Còn chút gì để nhớ gồm 45 bài của Vũ Hữu Định mới được ấn hành, do sự đóng góp bằng hữu, nhất là của nhà thơ Trần Từ Duy. 

Vẫn còn chiếc xe lam một thời thương nhớ… Ảnh: M.Thạch

3.

Một lãng khách đã viết trên trang facebook cá nhân:

“… Đôi lần đến Pleiku. Từ con dốc cao, đã thấy “quanh năm mùa đông” ở trên từng màn sương ướt màu thông. Tôi đi trong hoài tưởng về một Pleiku ngày ấy, đi loanh quanh hết mấy con đường không còn mù bụi đỏ… Xin cảm ơn một mái tóc mềm nào đó của Vũ Hữu Định đã để lại một phố núi cao nguyên Pleiku ngoài đời thật và một miền sương mù bất tận trong thơ. Một mái tóc mềm dẫu không có thật ở ngoài đời cũng đủ làm đời còn dễ thương”.

Mỹ Thạch cọp-dê

Có thể bạn quan tâm: