Đó là chia sẻ của ông Kal Hoang, CEO công ty W.E, tại buổi gặp mặt cộng đồng “đã – đang và sẽ chơi” công nghệ in 3D vào chiều qua, 26.11.2022 tại một quán café nhỏ ở quận ngoại ô Sài Gòn.
Ông Kal Hoang nói về khái niệm in 3D khá dễ hiểu: “Đó là phương pháp in từng lớp để các hình khối dựa trên thiết kế mô hình CAD (computer aided design) và chuyển đổi dữ liệu thành dữ liệu Gcode thông qua phần mềm cắt lớp (slicer). Từ đó, máy in 3D đọc các dữ liệu để tạo hình sản phẩm dựa theo thiết kế”.
Tại buổi gặp mặt, ông Kal Hoang nói ngắn gọn về công nghệ in 3D, cộng đồng sử dụng máy in 3D trong kinh doanh và… “chơi” trong gia đình. “Công nghệ in 3D làm được nhiều điều không tưởng, từ việc in những hình khối nhỏ, cho đến sản xuất thực phẩm, xây dựng! Không chỉ in dưới đất mà còn in ở tàu vũ trụ của Hoa Kỳ. Nói đến in 3D, đúng là cao siêu thiệt nhưng cũng rất đơn giản, tùy theo nhu cầu của người sử dụng”.
Theo vị CEO của W.E, hiện có nhiều công nghệ in 3D nhưng phổ biến hiện nay là công nghệ FDM (nguyên liệu in là nhựa sợi) và SLA (nhựa lỏng) để tạo ra những sản phẩm phổ biến trong đời sống thường nhật như đồ chơi, tượng, vật dụng… với số lượng mẫu sản xuất ít so với những cách sản xuất khác.
W.E hiện có những chức năng: cung cấp các dòng máy và vật liệu in 3D của hãng Mingda, thiết kế mẫu in 3D theo yêu cầu và sản xuất hàng mẫu, tư vấn và hộ trợ xử lý các vấn đề thường gặp trong khi sử dụng công nghệ in 3D
Còn nói về cộng đồng chơi công nghệ in 3D tại Việt Nam, theo lời Kal Hoang, trong vòng 4 năm trở lại đây, “ngày càng đông hơn, vui hơn, chia sẻ nhiều mẫu thiết kế 3D đẹp và tinh tế hơn”. Ông Kal cam kết: “Đầu năm 2023, khi W.E và Mingda hoàn thiện phần mềm cắt lớp có giao diện tiếng Việt, cộng đồng sử dụng máy in 3D sẽ đông hơn. W.E là công ty Việt Nam đầu tiên đã đầu tư vào phần mềm cắt lớp 3D”.
Để thu hút cộng đồng tham gia vào công nghệ in 3D, không chỉ cung cấp các dòng máy in 3D với vật liệu giá thấp và an toàn với người sử dụng, W.E còn thực hiện những công việc như mở lớp đào tạo thiết kế mẫu in 3D (đã mở 1 lớp tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), còn trong tương lai sẽ đưa công nghệ này tới trường học, tới từng ngôi nhà để thu hút đối tượng học trò tham gia cộng đồng in 3D tại Việt Nam.
Hoàng Oanh