Phở… và kẻ ăn rong

Người ta hay kể chuyện đổi trắng thay đen của cái lưỡi, vịn vào câu chuyện ngụ ngôn của Esop – người nhìn về lưỡi qua chức năng nói. Nhưng tôi cho rằng lưỡi là cái bảo thủ nhất trần đời, nhìn về chuyện ăn.

Chính vì sự bảo thủ của lưỡi nên những món ăn “di cư” trong câu chuyện của tôi mới có dư địa tồn tại trên cái xứ “hợp chủng” phương Nam này.

Phở có mặt ở Sài Gòn

Phở Lệ ở Sài Gòn. Ảnh: A.T

Trời sáng muộn tháng 3 năm ngoái, ngồi trên xe buýt chạy ngang góc đường Tobiac và đại lộ Choisy ở Paris 13, nhìn thấy dòng ông tây bà đầm xếp hàng rồng rắn, chờ ăn trước quán phở, bánh cuốn 14, tự dưng tôi, kẻ lần đầu tiên tới xứ này, thấy khinh khinh – khoái khoái sao sao ấy.

“Gã” phở lưu vong từ Sài Gòn sang đây kể như là thành đạt. Gốc gác của gã phải trải qua tới hai cuộc di cư.

Một là từ những năm 1930, theo chân phu phen từ Nam Định vào lập nghiệp ở Lái Thiêu (Bình Dương). Cái khúc ký ức cũ kỹ ấy còn tươi nguyên trong đầu ông Tám Thân (tên thực là Lý Thân, viết sách có khi ký bút danh là Lý Lược Tam), một người am hiểu về cổ ngoạn không thua gì cụ Vương Hồng Sển. Ông Tám gốc người Tiều, trải qua cả thời niên thiếu ở Lái Thiêu. Ông còn nhớ cả nơi đặt cái xe phở đầu tiên ở Lái Thiêu, sau đó mọc lên một dãy.

Khi Tây trở lại Việt Nam lần thứ hai, chuyên ruồng bắt những người răng nhuộm đen vì cho là Việt Minh, giết ngay trên cầu, liệng xác xuống con sông chảy ngang thị trấn Lái Thiêu. Phở phải trốn xuống Sài Gòn.

Phở xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn, được nhiều người làm chứng, là quán phở phía sau lưng rạp Vinh Quang, trong con hẻm 57 Pasteur.

…Ở xứ cờ hoa

Phở giờ đây đã rất nổi tiếng ở Mỹ, sau khi khởi nghiệp từ nửa sau những năm 70 thế kỷ trước. Từ mấy năm nay, nó đã cởi chiếc áo “Vietnamese noodle soup” để mặc lại cái vỏ ngữ âm thân thương là “phở”, đề huề bước vào ngồi cùng chiếu với những từ tiếng Anh trong những cuốn tự điển của cường quốc kinh tế số 1 thế giới.

Phở ở Hoa Kỳ được ghi đúng tên! Ảnh: A.T

Nhà văn Trần Tiến Dũng có thời gian dài lang thang ở đất Mỹ cho rằng, phở ở Mỹ cực kỳ “thuần Việt”, chớ không lai như phở ở Sài Gòn. Gần đây, TS Nguyễn Nhã, nhà sử học có nghiên cứu về ẩm thực Việt, vừa trình làng sáng chế “em của phở” của ông tại quán Đũa Việt, sau lưng trụ sở phía nam của Thông tấn xã Việt Nam, trên đường Võ Văn Tần. Không biết bây giờ “em của phở” ra sao chứ ngày tôi được hân hạnh dùng thử, “có sắc mà không hương”, nước thanh. Nhưng chỉ là… “chắt của phở”!

Chấm phá đôi nét về “văn hóa phở” như vậy thôi. Còn chuyện ăn – ở của phở, hẹn dịp khác vậy. Đời người dân Việt không thể thiếu phở dù chẳng bao giờ thay thế được cơm!

Ngữ Yên

Có thể bạn quan tâm: