Mạo danh thương hiệu FPT lừa đảo tuyển dụng lao động

Lãnh đạo tập đoàn FPT vừa lên tiếng: “Thương hiệu FPT và các công ty thành viên đang bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo tuyển dụng, chiếm đoạt tài sản của các ứng viên với nhiều hình thức”.

FPT
Một trang web mượn danh FPt lừa đảo trong tuyển dụng lao động. Ảnh: V.Anh

Ông Chu Quang Huy, giám đốc nhân sự của tập đoàn FPT khẳng định: “FPT không thu tiền của bất kỳ ứng ứng viên nào khi ứng tuyển làm việc tại đây, người lao động cần tìm hiểu kỹ quy trình tuyển dụng của chúng tôi để tránh bị lừa đảo. Ngoài ra, FPT còn có nhiều hoạt động đãi ngộ để thu hút nhân sự tài năng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.

Từ cuối năm 2022, FPT đã nhận được thông tin các đối tượng lừa đảo mạo danh FPT đăng thông báo tuyển dụng lên các kênh thông tin đại chúng, sau đó thu tiền của ứng viên và chiếm đoạt khoản tiền này. FPT đã đăng thông tin cảnh báo lên website và các trang mạng xã hội của tập đoàn. Đầu tháng 4.2023 tới nay, các đối tượng tiếp tục sử dụng hình ảnh tập đoàn FPT và các công ty thành viên đăng thông tin tuyển dụng để chiếm đoạt tiền.

FPT
Lao động đang làm việc tại FPT. Ảnh: V.Anh

Theo lời ông Huy, những hình thức lừa đảo của các đối tượng này như sau: hẹn gặp ứng viên ngay tại chân tòa nhà FPT Tower sau giờ hành chính để phỏng vấn, nhắn tin tư vấn các vị trí FPT đang tuyển dụng trên các website việc làm để mời ứng viên ứng tuyển,  gửi các đường dẫn rồi hướng dẫn ứng viên đăng nhập, sau đó nạp tiền… “Thậm chí, có những đối tượng còn sử dụng hình ảnh giám đốc nhân sự tập đoàn và lãnh đạo các công ty thành viên FPT để tăng thêm lòng tin cho các ứng viên tham gia phỏng vấn, đóng tiền trước khi đi làm…”, ông Huy cho biết thêm.

Quy trình tuyển dụng vào FPT và các công ty thành viên gồm các bước: ứng tuyển tại website tuyendung.fpt.com.vnhoặc gửi mail về career@fpt.com.vn, tiếp nhận và sàng lọc hồ sơ, kiểm tra chuyên môn với một số vị trí đặc thù, phỏng vấn với hội đồng xét tuyển, thỏa thuận hợp đồng nếu ứng viên tuyển dụng thành công.

Đại diện pháp lý của FPT cho rằng, những hành vi trên, căn cứ theo điểm a khoản 1, khoản 3 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trong trường hợp thỏa cấu thành tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), khi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

FPT
Lao động cần đọc kỹ thông tin trước khi nộp đơn! Ảnh: V.Anh

Đại diện pháp lý của FPT cho biết thêm, nếu ứng viên bị lừa đảo, cần liên hệ tới các cơ quan sau: đường dây nóng 113, đường dây nóng phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053, với người dân tại TP.HCM gọi đến số đường dây nóng 069.318.7200.

FPT hiện có 60.000 lao động với độ tuổi trung bình là 28, trong đó 3.123 lao động làm việc ở nước ngoài, có 1.888 lao động là người nước ngoài với 55 quốc tịch.

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: