“Đầu tư cho giáo dục là trả ơn cho đất nước”

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, phó chủ tịch hội đồng nhà trường kiêm hiệu trưởng Đại học CMC chia sẻ quan điểm của lãnh đạo tập đoàn CMC về mô hình Đại học CMC: “Sinh viên tốt nghiệp từ Đại học CMC không chỉ là nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Đại học CMC
Sinh viên khóa 1 của Đại học CMC. Ảnh: T.Lưu

Ngày 17.11.2022, Đại học CMC, mô hình “đại học số” đầu tiên của Việt Nam ra mắt, khai giảng khóa 1 với 345 sinh viên theo học 5 ngành đào tạo: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, thiết kế đồ họa, ngôn ngữ Nhật và ngôn ngữ Hàn Quốc.

Được định hướng phát triển từ mô hình “Đại học thông minh, đổi mới sáng tạo” trong giai đoạn 2022 – 2032, bước sang phát triển “Đại học nghiên cứu” từ năm 2033, sau đó vươn tới “Đại học đẳng cấp quốc tế” từ năm 2043 với quy mô từ 20 – 30.000 sinh viên!

Chuẩn quốc tế đến từng chi tiết

Nói về những ngày đầu thành lập, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, hiệu trưởng đại học CMC cho biết mọi thứ phải bắt đầu từ đầu với nhiều thách thức. “Thuận lợi của Đại học CMC là áp dụng những gì tiên tiến nhất. Đại học CMC ngay từ đầu được định hướng xây dựng trở thành môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế. Muốn làm, phải làm từ đầu, từ cái bàn, cái ghế, phòng học… theo tiêu quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cho biết.

Đại học CMC
PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, hiệu trưởng Đại học CMC. Ảnh: T.Lưu

Hướng theo “đại học số” đầu tiên tại Việt Nam, Đại học CMC hiện đang áp dụng quản trị số; giảng dạy, học tập số và cuộc sống số cho cả thầy và trò. Sinh viên được tiếp xúc với những tư liệu số và các công nghệ mới như: e-learning, virtual learning, thực tế ảo tăng cường hỗn hợp AR/VR… Với giáo trình học, toàn bộ chương trình đều theo chuẩn quốc tế với 100% số giáo trình chuyên môn công nghệ bằng tiếng Anh theo bản cập nhật mới nhất, chỉ một số ít sách tham khảo tiếng Việt cho những sinh viên năm thứ nhất.

Xóa nhòa khoảng cách hàn lâm và thực tiễn

Với mô hình “trường đại học trong lòng doanh nghiệp”, Đại học CMC giải quyết được bài toán “đào tạo bổ sung” sau khi sinh viên ra trường vì toàn bộ chương trình học không chỉ có tính hàn lâm mà còn gắn liền với hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

Các môn chuyên ngành được lãnh đạo công nghệ hay quản trị của các công ty thành viên trong tập đoàn tham gia giảng dạy hoặc trao đổi truyền đạt kinh nghiệm cho sinh viên khi trên lớp và khi thực hành, thực tập.

Hướng đi của CMC theo quan điểm: “Sinh viên không chỉ biết cách làm mà còn biết cách sáng tạo. Đây là một trong những giá trị cốt lõi của nhà trường. Có nhiều em mới năm thứ nhất nhưng cũng đã có tiềm năng nghiên cứu tại viện công nghệ CMC-ATI”, PGS.TS Bình khẳng định. Trong quá trình đào tạo, sinh viên sẽ được làm việc 1 học kỳ trong doanh nghiệp, tham gia công việc thực tế và còn được nhận lương theo những công việc đang thực hiện tại doanh nghiệp đó.

Đại học CMC
Đại học CMC đầu tư hạ tầng và chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Ảnh: T.Lưu

Con người làm trung tâm

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình nhấn mạnh: “Tại Đại học CMC, bên cạnh cơ sở vật chất, với một cơ sở đào tạo, con người là yếu tố then chốt. Một ngôi trường tốt phải có đội ngũ thầy cô giỏi, tuyển sinh được những sinh viên có năng lực, từ đó mới đào tạo được những kỹ sư, cử nhân vững vàng vào đời. Tại Đại học CMC, các bạn trẻ không sợ bị lấp bóng của những “cây đa, cây đề”. Chúng tôi muốn các bạn thể hiện bằng chính khả năng”.

Một trong những công việc quan trọng nhất của Đại học CMC là tập hợp chuyên gia giỏi, đã thành danh trong và ngoài nước về giảng dạy tại trường. Nhiều môn học trong trường được lãnh đạo công nghệ, kỹ sư hàng đầu đang làm việc trực tiếp tại các tập đoàn công nghệ lớn giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mở rộng cửa với các giảng viên trẻ với quy trình tuyển dụng công khai, minh bạch và chặt chẽ. PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cho biết thêm, nhiều sinh viên năm nhất nhưng đã được tiếp cận công việc với các anh chị tại các công ty thành viên qua câu lạc bộ lập trình và những hoạt động hướng nghiệp khác.

Về câu chuyện đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cho biết, nhà trường cam kết 100% kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp làm việc tại tập đoàn công nghệ CMC và Samsung (dành cho sinh viên ngành công nghệ theo học hệ song ngữ).

Với quan điểm “lấy con người làm trung tâm”, lãnh đạo tập đoàn CMC đã thành lập quỹ học bổng có tên: “CMC – Vì bạn xứng đáng”. Năm 2022, quỹ này có số tiền 69 tỷ đồng. Năm 2023, số tiền đã tăng lên 92 tỷ đồng.

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: