Nhóm chuyên gia của Đại học RMIT cho biết, trong một nghiên cứu thực nghiệm trên 680 nhà sản xuất ở 10 quốc gia khác nhau cho thấy, “áp lực về chứng nhận xanh (CNX) đã đẩy mạnh đổi mới quy trình, giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp”.
Trong 2 quý đầu năm 2023, Việt Nam đã “đánh mất vị trí và năng lực cạnh tranh ngành dệt may vào tay Bangladesh, một phần do chậm trễ chuyển đổi xanh”. Chuỗi cung ứng xanh là thành tố quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và cơ hội lấy được đơn hàng.
1.
Áp lực CNX đã phản ánh những yêu cầu và kỳ vọng tuân thủ bộ các tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống quản lý môi trường (EMS) đối với công ty trong chuỗi cung ứng, cũng như việc sử dụng các tiêu chuẩn môi trường như ISO 14000 trong lĩnh vực sản xuất của khách hàng, nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, chủ nhiệm cấp cao bộ môn quản lý chuỗi cung ứng và logistics của Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ: “Trong sản xuất, CNX là bộ tiêu chuẩn lồng ghép các khía cạnh môi trường vào quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm. Chứng nhận ISO 14001 xác nhận doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ bộ các tiêu chuẩn về môi trường như giảm phát thải, sử dụng tài nguyên và nguyên liệu thô trong quy trình sản xuất và tiết kiệm năng lượng của họ”.
2.
Hiện nay, áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất áp dụng đổi mới hệ sinh thái, năng lực công nghệ, đáp ứng nhu cầu xanh của khách hàng.
CNX không chỉ tạo áp lực mà còn có vai trò thúc đẩy nguồn vốn xã hội giữa các bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp… Nhiều công ty sản xuất xác định: “CNX là động lực để chỉnh sửa đổi mới quy trình tương thích theo yêu cầu của khách hàng. Những hành động vì môi trường sẽ đảm bảo doanh nghiệp phát triển”. Nhiều nhà sản xuất đã tìm kiếm và học hỏi các quy trình sinh thái mới, áp dụng các quy trình sạch hơn để hưởng lợi từ việc cải thiện chất lượng và giảm chi phí, và cuối cùng là khách hàng chấp nhận.
Với ngành hàng sản xuất điện tử, các nhà sản xuất lớn như Samsung, Sony, LG… gần đây đã có động thái mới về CNX. Samsung tuyên bố tận dụng vật liệu tái chế để sản xuất nhiều sản phẩm, bao bì không còn đinh bấm, remote nhỏ hơn nhưng xài năng lượng mặt trời, kêu gọi cộng đồng sử dụng bao bì thành những sản phẩm hữu ích…
Trong ngành công nghiệp ô tô, trong 2 năm 2011-2012, nhà sản xuất Saab đã tận dụng kiến thức từ nhà cung cấp và huy động nguồn lực để vượt qua thời kỳ khó khăn do đối thủ tạo ra. IKEA đưa ra chính sách môi trường dựa trên nhà cung cấp nhằm tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về thích ứng môi trường của các sản phẩm và nguyên vật liệu của IKEA, cũng như bảo vệ rừng.
TS. Hùng nói: “Việc thực hiện quy trình được hệ thống quản lý môi trường (EMS) chứng nhận sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện vị thế trong ngành, cải thiện hình ảnh, danh tiếng bảo vệ môi trường. CNX sẽ thúc đẩy trao đổi và hợp tác, từ đó tác động đến quy trình vận hành trong và ngoài doanh nghiệp”.
Vân Khôi