Xưa, trước 1975, dân miền Nam gọi tất cả những gì liên quan đến điện ảnh là “xi-nê” (từ cinema) mà ra. Đi coi xi-nê, dân dã là “chớp bóng” là thú vui của nhiều tầng lớp lao động, nên rạp xi-nê, chớp bóng ở vùng đất này phát triển nhanh. Nhất là ở Sài Gòn.
Trước 1975, Sài Gòn có khoảng 60 rạp xi-nê. Trong số các rạp xi-nê, người coi thường nhắc đến Rex. Đó là rạp xi-nê tối tân nhất, có thể nói đứng đầu cả Đông Nam Á thời đó và cũng ở vị trí dẫn đầu lâu dài nhất ở Sài Gòn trước 1975.
Rạp xi-nê Rex do ông bà Nguyễn Phúc Ưng Thi, vốn cũng là chủ rạp Đại Nam (trên đường Trần Hưng Đạo) làm chủ. Rạp nằm gần tòa Đô chánh (nay là trụ sở UBND TP.HCM), xây năm 1960 với quy mô chưa từng có ở Việt Nam thời ấy.
Rạp Rex được trang bị những tiện nghi hiện đại, như dàn máy lạnh có công suất cực lớn đến độ khiến cho 1.200 khán giả run cầm cập, người đi coi xi-nê mà phải mang theo áo chống lạnh. Màn ảnh của Rex là màn ảnh đại vĩ tuyến Todd-AO rộng đến 15m2. Phim được chiếu tại đây là phim 70mm với dàn máy chiếu đặc biệt. Khán giả đến với Rex được tận hưởng không gian sang trọng, được ngồi ghế nệm, nghe âm thanh stereo… Vì vậy giá vé của Rex đắt gấp mấy lần so với các rạp khác. Nếu khách ngồi trên lầu trả tiền cao hơn vì được đi… thang cuốn tự động đầu tiên ở Việt Nam.
Khai trương rạp REX là sự kiện gây được chú ý, không chỉ của giới kinh doanh điện ảnh mà còn của cả giới chính trị gia thời đó. Thường ở xứ ta thời ấy, những cuốn phim bắt đầu cũ sau vài năm phát hành trên thế giới mới về tới Sài Gòn. Vậy mà, cuốn phim đầu tiên để khai trương Rex là phim Ben Hur: William Wyler đạo diễn, với các diễn viên Charlton Heston, Stephen Boyd, Jack Hawkins, Hugh Griffith và Haya Harareet, phim đoạt 11 giải Oscar vào năm 1959!
Rex chảnh vậy trong 10 năm, từ 1960 – 1970 dù năm nào cũng có rạp mới khai trương!
Tuệ Lãng (Trầm tích Sài Gòn)