“Người từ trăm năm về ngang trường luật” là ai? (*)

Những người yêu nhạc đều biết, nhạc phẩm Thà như giọt mưa của nhạc sĩ Phạm Duy được phổ từ bài thơ Khúc tình buồn của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. 

Thà như giọt mưa
Nhạc phẩm Thà như giọt mưa, thơ: Nguyễn Tất Nhiên, nhạc: Phạm Duy. Hình: Lượm

Nhưng, có đọc bài thơ và nghe nhạc mới thấy lời bài hát có nhiều điểm khác với bài thơ. Trong bài hát, ta nghe: “Người từ trăm năm về ngang trường Luật” hay “Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu”…, hoặc, trong đoạn kết của bài hát có nhắc đến một người con gái tên Duyên. Những câu thơ đó và cả cô gái tên Duyên không có trong bài thơ Khúc tình buồn của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên!

Dòng nhạc xưa đã tìm hiểu và phát hiện ra vài điều thú vị về “người tên Duyên”. Theo đó, có thể khi sáng tác ca khúc Thà như giọt mưa, nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ lấy cảm hứng từ bài thơ Khúc tình buồn mà còn từ một bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên, đó là bài Duyên của tình ta con gái Bắc.

nhạc sĩ Phạm Duy
Hàng triệu người thuộc bài Thà như giọt mưa của Phạm Duy, còn bài thơ Khúc tình buồn của Nguyễn Tất Nhiên ít người biết. Hình: Lượm

Theo một thông tin trên internet mà chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng, Duyên là cô gái gốc Bắc, học chung lớp với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Chúng ta cùng đọc lại 2 bài thơ được coi là nguồn mạch cảm xúc để nhạc sĩ Phạm Duy lưu lại cho đời tình khúc hay: Thà như giọt mưa!

Khúc tình buồn

Người từ trăm năm

về qua sông rộng

ta ngoắc mòn tay

trùng trùng gió lộng

(thà như giọt mưa

vỡ trên tượng đá

thà như giọt mưa

khô trên tượng đá

có còn hơn không

mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm

về khơi tình động

ta chạy vòng vòng

ta chạy mòn chân

nào hay đời cạn

(thà như giọt mưa

vỡ trên tượng đá

thà như giọt mưa

khô trên tượng đá

có còn hơn không

mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm

về như dao nhọn

ngọt ngào vết đâm

ta chết âm thầm

máu chưa kịp đổ

(thà như giọt mưa

vỡ trên tượng đá

thà như giọt mưa

khô trên tượng đá

có còn hơn không

mưa ôm tượng đá)

Thà như giọt mưa

gieo xuống mặt người

vỡ tan vỡ tan

nào ta ân hận

bởi còn kịp nghe

nhịp run vồi vội

trên ngọn lông măng

(người từ trăm năm

vì ta phải khổ)

(1970)

Nguyễn Tất Nhiên
Bài thơ Duyên của tình ta con gái Bắc được nhạc sĩ Nguyễn Tâm sáng tác ít người biết hơn bài thơ. Hình: Lượm

Duyên của tình ta con gái Bắc

Ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa

Thương lại bóng hình người năm năm trước…

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang

Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt!

Ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết

Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ

Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ

Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt!

Nghe nói em vừa thi rớt Luật

Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Hình: Lượm

Mắt công nương thầm khép mộng chân trời

Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm

Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)

Ta – thằng ôm hận tú tài đôi

Không biết tìm ai mà kể lể

Chí lớn thôi đành cam rớt lệ (**)

Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!

Nếu vì em mà ta phải điên tình

Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội

Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối

Tay tre khô mối mọt ăn luồn

Dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương

Khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!

Em chẳng bao giờ rung động cũ

Ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu

Nên trở về như một con sâu

Lê chân mỏng qua những tàn cây rậm

Nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm

Lá xanh em chưa dấu lở loang nào

Ðể ta còn thi sĩ nhất loài sâu

Nhìn lá nõn, tiếc, thèm… đâu dám cắn!

Nếu vì em mà thiên tài chán sống

Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!

Hồ Ngọc Diệp (tổng hợp từ Dòng nhạc xưa và một số tư liệu khác)

———————–

(*) Tựa bài của tác giả

(**) Theo văn bản đăng trên Dòng nhạc xưa, đó là “chim lớn”, không phải “chí lớn”. Nếu đúng bản gốc bài thơ là “chim lớn”, suy đoán rằng, Nguyễn Tất Nhiên dựa theo ý: chim sẻ không thể hiểu được chí của đại bàng (tác giả).

Có thể bạn quan tâm: