Kỳ đầu: Nhà máy to thiệt!
Chiếc xe 29 chỗ ngồi mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến cổng nhà máy Kim Tín MDF Đồng Phú (Bình Phước), trực thuộc KES. Đêm trước, Bích Vân của công ty AnPR nói: “Anh sẽ đến 2 nhà máy của KES để tận mắt nhìn thấy quy trình sản xuất khép kín của họ. Đây là thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam từ cành củi khô cho ra những tấm ván ép (MDF) thành phẩm”.
Hấp dẫn đó. Nghe sao biết vậy trước đã. Bắt đầu từ cành củi khô…
1.

Trong khu nhà điều hành cỡ cấp 4, vài chục phút làm quen với ban giám đốc KES, đại diện là tổng giám đốc Trịnh Hữu Kiên, sau đó nghe Ngân, đại diện phòng tiếp thị giới thiệu chung về KES và dăm nét về nhà máy Kim Tín MDF Đồng Phú. Gần 11 giờ, ông Lưu Ngọc Điệp, trưởng phòng nhân sự của nhà máy bắt đầu “tour” giới thiệu về hoạt động của nhà máy.
Đã nhiều lần đến coi các nhà máy sản xuất bằng nguyên liệu gỗ nhưng chưa thấy nhà máy nào to như vậy. To không chỉ về diện tích, 25ha (phiên ra là 250.000m2) mà còn ở những hệ thống máy móc sản xuất để “cành củi khô thành tấm ván”. Tôi đưa nhận định này lên đầu bài để bạn đọc dễ hình dung tổng quan về nhà máy trước khi đi vào từng phân xưởng.

“Phân xưởng” đầu tiên là bãi nguyên liệu rộng cả chục ha chứa “củi”: cành, thân và cả gốc từ những vườn cao su, điều, cà phê và hàng chục loại cây trồng khác từ Bình Phước, xa hơn là Đăk Nông, Đăk Lăk và có cả hàng từ Pleiku chở sang. Giá cả khác nhau, tùy theo loại và kích thước. Người dân lượm củi bán cho các điểm thu mua. Chờ đủ xe, chở đến nhà máy. Bao nhiêu cũng mua.
Công đoạn đầu tiên, theo ông Điệp, củi được xe đưa vào phễu cấp liệu, băng tải sẽ chuyển củi vào máy để bóc hết vỏ với công suất 100 tấn/giờ. Máy bóc vỏ hoạt động theo nguyên lý: thùng quay làm củi va đập với nhau, vỏ cây sẽ được bóc ra. Ông Điệp giải thích: “Tại sao lại bóc vỏ? Đối với củi cao su, bên trong vỏ có các mạch mủ, nếu để mủ đi vào ván sẽ tạo ra khuyết tật trên bề mặt ván. Còn các loại cây khác, có lớp vỏ sừng cứng, khi đi vào ván cũng tạo lồi lõm mặt ván”. Vỏ củi được chuyển đến kho để làm nhiên liệu đốt cho quá trình sản xuất.
2.

Tiếp đến là khâu băm củi cũng với công suất 100 tấn/giờ. Đây là công đoạn tạo ra những mảnh dăm đều. Dăm từ kho sẽ được đưa lên hệ thống sấy với chiều cao gần 60m. Rồi đến khâu rửa dăm bằng nước để sạch đất đồng thời làm dăm có độ ẩm đồng đều. Nghe nói, hệ thống rửa dăm mua từ Thụy Điển có khả năng tái tận dụng 70 – 80% lượng nước.
Dăm sau khi được rửa sạch được đưa lên tháp để hấp chín. Sau khi hấp chín, dăm sẽ được đưa đến máy nghiền (mua của Thụy Điển) để tạo thành các sợi gỗ. Theo ông Điệp, đây là công đoạn quan trọng để tạo ra chất lượng sợi tốt cho công đoạn ép ván. Dăm sau khi được nghiền thành sợi sẽ đi qua hệ thống trộn keo và các chất phụ gia khác.

Sau những công đoạn trên là khâu sản xuất ván MDF bán thành phẩm trải qua 4 công đoạn: trải nguyên liệu, ép nóng, giảm nhiệt ván và xếp chồng – lưu kho. Ván sau khi được lưu kho đủ thời gian sẽ được đưa vào máy chà nhám (mua của Thụy Sỹ) để chà hết lớp mặt ván bị xốp do quá trình tiếp xúc với máy ép nóng. Bề mặt ván sau khi chà hết lớp xốp sẽ đạt độ cứng cao nhất và đồng đều.

Sau khi chà nhám, ván sẽ “chạy” đến hệ thống cắt tự động của hãng Anthon (Đức) để tạo ra nhiều khổ ván chuẩn như 4x8ft, 5x8ft, 6x8ft, cho đến các khổ ván phi chuẩn như 4x6ft, 2x7ft…
3.
Ông Điệp và ban giám đốc KES đưa vào phòng điều hành để tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất bằng camera. Chuyện này không có gì mới nhưng với quy mô nhà máy rộng 25ha nhưng chỉ có 270 con người quản lý, vận hành và bảo trì bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền thiết bị vì tất cả các khâu chính đều do máy móc tự động làm.

Ông Kiên cười: “Nhà máy Kim Tín MDF Đồng Phú chi ra 3.000 tỷ đồng đầu tư những hệ thống máy móc hiện đại của những tên tuổi có nhiều năm sản xuất cho lĩnh vực này như: Scheuch, Valmet, Siempelkamp, Romeroca… đến từ Bỉ, Thụy Điển, Đức, Thụy Sĩ… Đặc biệt, máy ép nóng liên tục thế hệ thứ 8 của Siempelkamp (Đức) có chiều dài gần 50m là máy ép có công suất lớn nhất ở khu vực châu Á, nằm trong top 10 dây chuyền công suất lớn và hiện đại nhất trên thế giới. Riêng phần mềm quản trị hệ thống mua từ Đức có giá 5 triệu USD!”.
Viết ngắn gọn vậy nhưng thời gian “cưỡi ngựa coi hoa” ở nhà máy Kim Tín MDF Đồng Phú mất hơn 2 tiếng đồng hồ, ước 5.000 bước chân, lại quy đổi chừng 3km với 3 thao tác: nghe, nhìn và… chụp hình!

Lật đật lên xe chạy qua nhà máy Kim Tín ván sàn cách đó chừng 10 phút đi xe. Đồng hồ lúc này chuyển sang 13g. Đói. Nắng. Vậy mà tôi nói: “Mình đi coi hết rồi ăn một thể”. Cả bọn la rần rần…
Mỹ Thạch (còn nữa)
Kỳ cuối: “Make-up” miếng ván ép!