Hành trình tấm “ván ép” của KES, bắt đầu từ… cành củi khô! (kỳ cuối)

Kỳ cuối: “Make-up” miếng ván ép!

Từ nhà máy Kim Tín MDF Đồng Phú, xe chạy chừng 10 phút là tới nhà máy Kim Tín ván sàn thuộc khu vực thị trấn Tân Phú (Đồng Phú, Bình Phước). Đây là nhà máy “make-up” miếng ván ép thành những sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Cả nhóm ăn bữa cơm trễ tại nhà máy. Tôi hỏi tổng giám đốc KES Trịnh Hữu Kiên: “Có phải cơm khách nên nhiều món”. Kiên cười: “Cơm khách không quá khác cơm công nhân đâu. Mấy anh chị ăn nhiều một chút để có sức mà đi tiếp”.

KES
Đưa ván bán thành phẩm nhập từ nhà máy Kim Tín MDF Đồng Phú vào khu vực máy ép. Hình: Thạch

Dẫn nhóm ở nhà máy Kim Tín ván sàn là ông Nguyễn Duy Khương, thuộc biên chế phòng công nghệ. Theo lời ông Khương, nhà máy Kim Tín ván sàn là nhà máy duy nhất của KES hợp tác với CFL Flooring limited (vương quốc Bỉ) có diện tích 25.000m2 gồm 2 xưởng bán thành phẩm và thành phẩm, công suất 6 triệu m2 ván sàn/năm với 10 hệ thống máy ép dán, chuyên sản xuất 2 nhóm sản phẩm chính là ván sàn công nghiệp laminate và ván phủ melamin.

1.

Theo lời bà Bùi Thị Hòa, phó giám đốc KES, ván nguyên liệu “nhập” từ nhà máy Kim Tín MDF Đồng Phú sẽ được để khu vực riêng. Sau thời gian quy định, sẽ kiểm tra lần nữa. Nếu đạt chuẩn mới nhận, nếu không, “trả về nơi sản xuất”!

KES
Nhân viên máy ép định hình ván trước khi cho vào máy ép. Hình: Thạch

Trong phân xưởng bán thành phẩm có những kho lạnh riêng để bảo quản “giấy” các loại vân gỗ khác nhau, như sồi, thông, hồ đào… Làm tới đâu, lấy từng khay ra khỏi kho lạnh. Ông Khương giải thích: “Phải có kho lạnh để những tấm giấy vân gỗ đó không bị khô giòn. Nếu bị khô, không thể ép lên bề mặt ván được”. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thiết kế những kho lạnh như vậy không phải ít tiền.

Tại phân xưởng bán thành phẩm, ông Khương dẫn tôi và những người bạn ngó nghiêng hệ thống 10 cụm máy ép được giới thiệu là theo công nghệ hiện đại của châu Âu, có công suất 1.250 m2/ca/ máy, áp lực ép 23 MPA, tương đương 234,6 kg/cm2. Mỗi cụm máy ép có 2 công nhân thành thục thao tác: khiêng ván, phủ lớp giấy vân gỗ, sau đó đưa vào máy ép có độ sâu của khuôn là 0.25mm để tạo cảm giác giống vân gỗ thật. Theo góp ý của anh Huy Thọ (báo Tuổi Trẻ), KES nên có thêm các loại giấy có vân gỗ quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như: lim, trắc, hương… như chút khắc khoải về những sản phẩm gỗ thân quen được khai thác từ cánh rừng nguyên sinh ngày xưa, xưa lắm!

KES
Những tấm ván sàn sau khi ép bề mặt có vân gỗ. Hình: Thạch

Cầm thanh gỗ mẫu sau khi ép bề mặt vân gỗ, ông Kiên giới thiệu về công nghệ in 3D trên gỗ rồi nói: “Nhìn qua, anh cứ tưởng đó là gỗ thật đúng không”. Ừ, không hề sai nhưng với chút kinh nghiệm của một người dân miền cao nguyên, những tấm gỗ ván sàn công nghiệp laminate của KES chắc chắn là hơn gỗ gáo, tràm vàng…, nhưng so với hương mật, trắc, lim… của ngày xưa, còn khoảng cách chừng vài bước chân.

2.

Tại nhà máy Kim Tín ván sàn, để sản xuất ván sàn công nghiệp laminate phải sử dụng ván HDF với 3 độ dày là 8mm, 10 mm và 12 mm với trọng lượng 900 – 950 kg/m3. Còn ván phủ melamin có 3 dòng sản phẩm là S6, S9 và dòng cao cấp Signature có độ chống mài mòn bề mặt và mức độ cọ xước bề mặt cao hơn, đặc biệt là hiệu ứng khuôn khắc nổi hoa văn đối bản 2 mặt tạo cảm giác chắc chắn.

KES
Dán nhựa cách âm mặt dưới của thanh ván sàn công nghiệp laminate. Hình: Thạch

Những tấm ván sau khi được ép hoa văn gỗ, hoặc là làm ván sàn công nghiệp hoặc là ván phủ melamin, tiếp tục trải qua các công đoạn: cắt và tạo hèm khóa (dân dã gọi là khớp nối các tấm ván với nhau). Đây là công đoạn phức tạp nhất của “cành củi khô thành sản phẩm hoàn chỉnh” tại KES.

Theo lời ông Khương, KES đã đầu tư hệ thống máy cắt đa lưỡi tự động theo công nghệ Bỉ có công suất trên 5000 m2/ca/ngày để tạo ra nhiều loại ván thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng và robot tự động đảo chiều hoa văn khi cắt nhằm tạo vân gỗ ngẫu nhiên cho tấm ván ép thành phẩm. Hệ thống máy cắt có dao cắt bằng kim cương tạo độ mịn bề mặt và hèm khóa có khả năng chống rò nước, độ khép kín với sai số cho phép là 0.1mm. Hèm khóa, sau khi phay, được sơn cạnh vát với màu tương ứng tạo tính thẩm mỹ cho bề mặt ván, còn cạnh hèm khóa được phủ lớp parafin để chống ngấm nước. Mặt dưới những tấm ván melamin của KES còn được dán lớp nhựa như là chất cách âm. Đây là điểm riêng của KES mà nhiều hãng khác chưa làm, hoặc là không làm.

KES
Kiểm tra trực tiếp những thanh ván sàn công nghiệp laminate trước khi đóng thùng. Hình: Thạch

Hỏi, bà Hòa cho biết, hèm khóa của KES đã được mua bản quyền. Bà Hòa nói: “Từ yêu cầu của khách hàng bên Hoa Kỳ mà KES đã tìm cách mua lại bản quyền hèm khóa này để giúp khách hàng không phải thuê thợ đục đẽo khi cần lót nền phòng khách, phòng ngủ… Ai cũng làm được khi sử dụng những sản phẩm ván của KES”.

Công việc cuối của dây chuyền là xếp những thanh ván đã được “make-up” vào thùng, đóng gói, xếp vào khu vực thành phẩm, chờ giao cho khách hàng trong và ngoài nước.

KES
Những thanh ván sàn công nghiệp laminate đã được đóng thùng sau nhiều công đoạn “make-up”. Hình: Thạch

3.

Điểm đến cuối cùng trong chuyến tham quan nhà máy Kim Tín ván sàn là phòng lab được phân chia thành những khu vực kiểm tra cơ – lý – hóa về độ mài mòn, mức độ trầy xước, lượng formaldehyde tồn dư, độ trương nở, va đập bề mặt, độ bền, mức độ chịu lực… của sản phẩm trước khi đóng gói thành phẩm.

Tại đây ông Khương yêu cầu nhân viên trình diễn những thao tác như độ chịu lực của ván, độ mài mòn, mức độ kín của hèm khóa… Một nhân viên trẻ của phòng lab nói với tôi: “Đó là thủ tục bắt buộc phải làm mỗi ngày dù tin rằng với máy móc tự động, đồng bộ, sản phẩm luôn đạt chuẩn”. Đến lượt ông Khương khoe rằng, tiêu chuẩn kiểm định và máy móc của phòng lab đều theo tiêu chuẩn châu Âu nên kết quả chính xác theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ…

KES
Nhân viên trẻ phòng lab đang kiểm tra mức độ chịu lực của thanh ván MDF trước khi “make-up”. Hình: Thạch

Đã gần 4 giờ chiều. Vượt thời gian của kịch bản hơn 1 tiếng đồng hồ. Nhìn đồng hồ, số bước chân đã thêm 4.000 bước. Tổng cộng cả ngày đã đi hơn 9.000 bước, tròm trèm 5km. Hơi nhiều so với những người gánh nhiều tuổi như tôi và anh Huy Thọ.

Nhưng đi để biết nhiều hơn, tin hơn vào cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt đang gồng mình với nhiều áp lực, từ thị trường thế giới cho đến thị trường nội địa.

Những chuyến xe chở củi xếp hàng dài trước nhà máy MDF. Những chuyến xe chở ván bán thành phẩm chạy vào nhà máy ván sàn. Những chuyến xe chở hàng đã “make-up” ra khỏi nhà máy…

Nhịp sống của KES vẫn quay đều…

Mỹ Thạch (hết)

Có thể bạn quan tâm: