Chiều qua, 15.12.2023, báo Tuổi trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Sử dụng vật liệu nội thất bền vững và an toàn” để thông tin về quy chuẩn kỹ thuật mới: QCVN 16:2023/BXD có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 và chia sẻ những mối nguy hiểm cho sức khỏe con người từ những nhóm vật liệu xây dựng.
Ông Cao Huy Thọ, đại diện báo Tuổi trẻ nhấn mạnh: “Các chuyên gia sẽ giúp người tiêu dùng hiểu đúng về chất lượng và an toàn của nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn sản xuất và nâng cao quy trình kiểm soát – bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nội địa để từ đó phát triển thị trường xuất khẩu của ngành vật liệu nội thất Việt Nam”.
Có nhiều điểm mới

QCVN 16:2023/BXD đã ban hành những tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho nhóm ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam hiện nay: gạch, đá, cát, ngói, sơn, ván gỗ, xi măng, thạch cao, kính, giấy dán tường, ống nhựa PE/PP… với những quy định về hàm lượng hóa chất theo xu hướng thấp hơn những quy chuẩn trước đây, vừa an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng, vừa đạt chuẩn xuất khẩu sang những thị trường “khó tính”: Hoa Kỳ, Nhật, Hàn, Pháp, Ý, Anh, Bỉ…
Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) bình luận: “QCVN 16:2023 là điều kiện pháp lý công bằng giữa các nhà sản xuất tử tế và những nhà sản xuất không tử tế. Bộ quy chuẩn mới sẽ giúp các nhà sản xuất tử tế bán hàng tại thị trường nội địa và xuất khẩu chủ động kiểm soát chất lượng và các tiêu chí về môi trường, sức khỏe con người. Hiện nay, muốn xuất khẩu hàng sang thị trường nào, nhà sản xuất phải đáp ứng bộ tiêu chuẩn của quốc gia đó”.

Nhiều chuyên gia về y tế cộng đồng, thiết kế nội thất, xây dựng… đã đánh giá cao những quy định mới trong QCVN 16: 2023. PGS.TS Lê Trung Thành, viện trưởng viện vật liệu xây dựng (bộ Xây dựng) dẫn giải, trong QCVN 16:2023, quy định về hàm lượng formaldehyde không lớn hơn 0,124mg/m3 hoặc 0,7mg/l hay 0,8mg/100gr. Ông Thành cho rằng, quy định mới sẽ thách thức với nhiều nhà sản xuất các loại vật liệu có sử dụng những hóa chất phát sinh hàm lượng formaldehyde như ván sàn công nghiệp, sơn, ống nhựa… Bình luận về chỉ tiêu này, ông Trịnh Hữu Kiên, tổng giám đốc KES group chia sẻ: “Để giảm thiểu hàm lượng formaldehyde trong sản xuất ván công nghiệp, nhà sản xuất phải kiểm soát từ keo, chất phụ gia trong quá trình sản xuất”. Ông Kiên “khoe” rằng: “Tại nhà máy sản xuất ván MDF Bình Phú (Bình Phước) của KES đã chủ động sản xuất keo và các chất phụ gia nên nồng độ phát thải hàm lượng formaldehyde đạt chuẩn so với quy định của QCVN 16:2023. Có vậy, ván MDF của KES mới vào được thị trường châu Âu, Hoa Kỳ… cách đây 15 năm!”.

Từ góc nhìn của y tế cộng đồng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế cộng đồng, ĐH Y Dược TP.HCM đã chỉ ra hiện tượng bệnh lý “hội chứng khó chịu do tòa nhà” (sick building syndrome – SBS) mà nguyên do là do…formaldehyde phát ra từ các vật liệu nội thất của ngôi nhà, chính là những ngôi nhà/ văn phòng/ trường học… vừa xây xong. Vị chuyên gia y tế đã chỉ ra các triệu chứng khi hàm lượng formaldehyde cao: nghẹt mũi, kích ứng mũi, chảy nước mũi; mắt bị khô, rát, như có cát; cảm giác thở bị vướng, nhức đầu / nặng đầu… “Ngoài các biện pháp như tạo không gian thoáng mát, trao đổi khí, hãy là người tiêu dùng thông minh khi sử dụng các sản phẩm nội thất đạt chuẩn về an toàn với sức khỏe con người”, PGS.TS Dũng nói.
“Formaldehyde là khí không màu, mùi hăng nồng, có tính kích ứng, là chất ô nhiễm trong nhà do sử dụng nhiều sản phẩm gia dụng và vật liệu xây dựng, đặc biệt sử dụng nhựa urea formaldehyde (UFR). Formaldehyde phát thải chậm trong không khí, kéo dài từ vài tháng đến 2 năm. formaldehyde sẽ gia tăng ở môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao” (PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế cộng đồng, ĐH Y Dược TP.HCM).
Phải cần… liên bộ “nhúng tay” vào

Nhưng QCVN 16:2023 vẫn còn trống nhiều vấn đề mà các nhà chuyên môn quan tâm. Ông Trần Khánh Trung, phó chủ tịch hội kiến trúc sư TP.HCM nhận xét: “QCVN 16:2023 chưa có chỉ số quy định hàm lượng các hóa chất độc hại cho nhóm hàng vật liệu nội thất: keo, silicon, vải, da, thảm, chất chống thấm, đá làm bếp, vật liệu cách âm… Đây là nhóm hàng bát nháo trên thị trường về chất lượng, nguồn gốc sản xuất. QCVN 16:2023 cần có những quy định về sức khỏe con người: khi nào được xài tiêu chuẩn E1, khi nào xài E2, tổng lượng formaldehyde trong nhà là bao nhiêu”. Theo ông Thành của viện vật liệu xây dựng, nhóm hàng này thuộc quyền quản lý của bộ… Công Thương. Nhưng ông Thành ghi nhận góp ý của ông Trung, sẽ điều chỉnh bằng thông tư… liên bộ!

Câu chuyện quản lý hàng hóa tại nhà máy sản xuất, nhà bán lẻ như thế nào đã được người tiêu dùng quan tâm tại buổi tọa đàm. Ông Thành gợi ý: “Người sử dụng phải có ý thức khi mua hàng: kiểm tra nhãn mác, dấu hợp chuẩn, tem kiểm soát…”. Vậy, hỏi ông Thành, vai trò của quản lý thị trường, công an kinh tế… ở đâu với ngành hàng tỷ USD này? Ông Kiên của KES mong muốn các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường này để người tiêu dùng an tâm khi mua hàng. Bà Phan Thị Việt Thu, chủ tịch hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM than phiền: “Đừng bắt người tiêu dùng phải biết quy chuẩn vì nó quá phức tạp. Chính là cần kiểm soát từ khâu hợp chuẩn của trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các sở xây dựng. Ngay cả hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không hiểu bộ quy chuẩn mà chỉ giữ vai trò trung gian hòa giải khi có khiếu nại từ người tiêu dùng”.

Nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ vì…hết giờ! Người tiêu dùng mong muốn các cơ quan có trách nhiệm hành động mạnh mẽ về thị trường vật liệu xây dựng như ngành công an đang kiểm tra nồng độ cồn của người dân trên mọi nẻo đường của đất nước hình cong chữ S trong tháng qua!
Nghiêm Quảng