Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho dài 70km chính thức hoạt động vào ngày 20.7.1885, xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Ðông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho.
Để vượt sông Vàm Cỏ Đông trong lúc cầu chưa làm xong, người ta đã phải sử dụng phà để “cõng” xe lửa qua sông. Họ tạm tách rời các toa tàu để đưa lên phà qua sông rồi mới nối lại cho chạy tiếp.
Khi người Pháp làm chiếc phà này, người dân tại chỗ được chiêu mộ làm đường dẫn từ bờ sông lên xuống phà. Họ nện đá xuống hai bờ sông rồi lát thêm những thân gỗ lớn lên trên để chống lún. Nhà thầu Pháp còn làm thêm một giàn giáo kiên cố ngay trên thân chiếc phà giống như kiểu “nhà sàn cao cẳng” để xe lửa từ bờ có thể đi ngang lên phà dễ dàng hơn thay vì xuống bờ sông quá dốc rồi mới lên phà được sẽ dễ bị lật.
Đến tháng 5.1886, cầu Bến Lức hoàn thành, lúc bấy giờ xe lửa mới hết qua phà!
Mỗi ngày tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho có bốn cặp tàu chạy. Chuyến đầu tiên xuất phát từ Mỹ Tho lúc 1 giờ 30 sáng, đến Sài Gòn 5 giờ sáng. Ở Sài Gòn, chuyến Sài Gòn – Mỹ Tho cũng xuất phát trùng giờ. Chuyến thứ 2 lúc 9 giờ sáng, chuyến thứ ba lúc 1 giờ chiều và chuyến 6 giờ tối. Vì phải vượt phà, mỗi chuyến chạy mất ba tiếng rưỡi. Đến tháng 5.1886 cầu trên tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho đã hoàn thành, cho phép tàu chạy một mạch tới Mỹ Tho nên thời gian chạy rút xuống còn 2 tiếng rưỡi.
Số lãi thu được từ tuyến đường sắt này tính đến năm 1896 là 3,22 triệu franc, đến năm 1912 là hơn 4 triệu franc. Nhưng từ thập kỷ 50 của thế kỷ 20, xe hơi phát triển cùng với hệ thống đường bộ Sài Gòn – Mỹ Tho được mở rộng như xa lộ nên khách chuyển sang đi đường bộ. Có những ngày toàn đoàn tàu chỉ có vài chục người, lỗ quá nên nhà nước bỏ tuyến đường này đi. Năm 1958, sau 73 năm hoạt động, vì quá lỗ nên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chính thức “khai tử” tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho.
C.P