Amazon Global Selling Việt Nam và cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA, bộ Công thương) công bố giai đoạn 2 của sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” tại sự kiện Amazon 2024 tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua.
Tại giai đoạn 2, Amazon Global Selling và iDEA triển khai sáng kiến “Liên kết ngành nghề – Tăng trưởng cùng TMĐT xuyên biên giới” với mục tiêu giúp các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam, như: hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa)… các kỹ năng thực tế, kiến thức, nguồn lực kỹ thuật số, cập nhật xu hướng thị trường, kết nối mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ và nhà sản xuất trong nước để xuất khẩu trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, phó cục trưởng iDEA chia sẻ: “Sau 2 năm triển khai, sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh toàn cầu. Chúng tôi đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các ý tưởng đổi mới và kiến thức chuyên sâu về xây dựng kế hoạch kinh doanh TMĐT xuyên biên giới trên hạ tầng Amazon”.
Tại sự kiện công bố giai đoạn 2 của sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”, ông Phùng Quốc Mẫn, phó chủ tịch Hawa cho biết, trong năm 2023, do suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt nên nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ đã giảm mạnh. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm 15,9% so với 2022, chỉ đạt 13,18 tỷ USD. “Dù khó khăn nhưng doanh số TMĐT của nhóm hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ đang tăng. Thật đáng tiếc, mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của doanh nghiệp Việt còn hạn chế khi phần lớn họ chỉ gia công theo đơn hàng, mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài, quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu, sức chống chịu yếu trước biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường…”, ông Mẫn nói. Để nhóm hàng gỗ nội thất Việt vươn ra thế giới thông qua TMĐT, “các doanh nghiệp phải cố gắng nhiều hơn trong việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng, cần đầu tư nâng cao năng lực khi tham gia TMĐT xuyên biên giới để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của thị trường quốc tế”, ông Mẫn nói tiếp.
Ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch thường trực hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, là mũi nhọn xuất khẩu song hàng chục năm qua nhưng sản phẩm dệt may Việt vẫn tồn tại nhiều thách thức, từ việc đầu ra phụ thuộc quá nhiều vào đối tác xuất khẩu, đến phần lớn sản phẩm gia công chỉ xuất sang các quốc gia của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài. “Tham gia TMĐT xuyên biên giới là cơ hội để doanh nghiệp dệt may Việt xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, Việt Nam có ưu thế cạnh tranh về giá khi là quốc gia trực tiếp sản xuất”, ông Cẩm chia sẻ.
Với sáng kiến “Liên kết ngành nghề – Tăng trưởng cùng TMĐT xuyên biên giới”, ông Gijae Seong, giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nói: “Hỗ trợ toàn diện để doanh nghiệp tháo gỡ các nút thắt về vận hành, công nghệ và các kiến thức cần thiết để quản lý TMĐT xuyên biên giới”.
“Ươm mầm nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho Việt Nam bằng các chương trình giáo dục và nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho đội ngũ nhân lực, nhất là lãnh đạo; mở rộng và tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; kết nối và tăng cường nội lực cho sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm từ các nhóm hàng lợi thế trên các kênh thương mại toàn cầu và quảng bá thương hiệu Việt trên toàn cầu bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường hiện diện và giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế” (4 chiến lược của sáng kiến “Liên kết ngành nghề – Tăng trưởng cùng TMĐT xuyên biên giới”).
Lâm Vạn