5 cách thức lừa đảo trực tuyến đang phổ biến

Google vừa cảnh báo 5 cách thức lừa đảo phổ biến gần đây trên môi trường internet tại Việt Nam.

Google
Lừa đảo trên mạng internet tại Việt Nam ngày càng phổ biến và tinh vi. Hình: A.T

1. Lợi dụng các sự kiện lớn

Kẻ lừa đảo lợi dụng các sự kiện lớn, tận dụng AI để tạo ra các thủ đoạn lừa đảo mới và nâng cấp độ tinh vi của các thủ đoạn hiện có. Các đối tượng này nắm bắt các sự kiện nổi bật để thực hiện các chiêu trò lừa đảo như bán vé giả hoặc mạo danh tổ chức từ thiện.

2. Người nổi tiếng đầu tư

Những kẻ lừa đảo sử dụng AI để tạo video và hình ảnh mạo danh người nổi tiếng để giới thiệu các khoản đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực tiền điện tử và nền tảng giao dịch. Sự kết hợp giữa những gương mặt có sức ảnh hưởng, nội dung chuyên nghiệp và hứa hẹn về lợi nhuận cao làm cho các vụ lừa đảo này trở nên đặc biệt thuyết phục.

3. Lừa đảo du lịch và thương mại điện tử giả mạo

Bọn lừa đảo tạo ra các trang web nhái lại các trang web mua sắm, du lịch và bán lẻ hợp pháp để dụ dỗ khách hàng bằng mức giá hấp dẫn cho các mặt hàng phổ biến, vé hòa nhạc hoặc ưu đãi du lịch. Những trang web này được sao chép tinh vi, từ thiết kế website đến phần dịch vụ khách hàng gần như không thể phân biệt được với các trang web chính thức. Để tránh bị phát hiện, kẻ lừa đảo sử dụng kỹ thuật như “cloaking” (che đậy), tạo cảm giác cấp bách bằng cách đưa ra các “ưu đãi có thời hạn” nhằm buộc người dùng quyết định nhanh chóng. Thậm chí, bọn lừa đảo này còn thao túng danh sách doanh nghiệp, thêm số điện thoại giả để mạo danh các doanh nghiệp hợp pháp.

Google
Nhiều người tiêu dùng cả tin đã bị bọn lừa đảo trên mạng internet hốt sạch tiền! Hình: A.T

4. Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa

Đối tượng lừa đảo thường mạo danh nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của công ty dịch vụ, ngân hàng và cơ quan nhà nước tạo ra những tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như thông báo rằng thiết bị, tài khoản hoặc bảo mật của các nạn nhân đang gặp vấn đề. Nhóm đối tượng này sử dụng các ngôn ngữ kỹ thuật rất thuyết phục, kèm theo đó là các trang hỗ trợ giả mạo. Để tăng độ tin cậy, chúng còn sử dụng các thủ đoạn tinh vi như giả mạo ID người gọi và chuẩn bị sẵn các kịch bản đối thoại. Chúng nhắm vào người cao tuổi bằng cách giả danh các công ty công nghệ quen thuộc, hoặc tiếp cận giới trẻ thông qua các nền tảng trò chơi. Mục đích cuối cùng của những kẻ lừa đảo này là dụ dỗ nạn nhân cài đặt phần mềm truy cập từ xa, từ đó chúng kiểm soát thiết bị, truy cập vào dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch trái phép.

5. Lừa đảo việc làm

Nhóm đối tượng lừa đảo nhắm đến những người đang tìm kiếm công việc từ xa và cơ hội việc làm tại môi trường quốc tế với mức thu nhập hấp dẫn. Chúng đăng tin tuyển dụng giả trên các trang web tuyển dụng uy tín và mạng xã hội, sau đó tiến hành các buổi phỏng vấn video chuyên nghiệp và thực hiện các quy trình giới thiệu chi tiết, thường giả mạo là công ty quốc tế trong lĩnh vực giao dịch tiền điện tử hoặc tiếp thị kỹ thuật số. Ngoài việc yêu cầu các khoản phí trả trước và đánh cắp dữ liệu, cách thức lừa đảo này còn lôi kéo nạn nhân tham gia vào các hoạt động rửa tiền hoặc các hành vi phạm pháp khác.

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: